Màu châu thổ chảy trong huyết quản

Như TT&VH đưa tin, lão họa sĩ Lê Triều Điển vừa khai mạc triển lãm tại gallery Phương Mai, số 7 Phan Chu Trinh, Q.1, TP.HCM đối diện cửa Tây chợ Bến Thành. Với Lê Triều Điển, dường như tuổi cao không khiến ông ngừng sáng tạo.

Họa sĩ Lê Triều Điển được biết đến như người luôn mang theo quê hương sông nước Cửu Long trong mình giới thiệu đến mọi người. Dù nặn tượng bằng đất nung hay vẽ tranh, sắc màu phù sa của miền châu thổ Tây Nam bộ luôn hiện diện trong tranh ông.

Sự chuyển động của nội tâm

Triển lãm lần này của họa sĩ Lê Triều Điển mang tên Ký ức gọi về, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 9 của ông kể từ năm 1968. Tranh của Lê Triều Điển vẫn trung thành với phong cách trừu tượng, ông chủ ý vẽ để diễn đạt cảm xúc hơn là trình bày những gam màu, đường nét “hợp nhãn” người xem.
Nói về cuộc triển lãm lần này, lão họa sĩ cho biết: “Tôi không vẽ đẹp về đường nét hay màu sắc, mà muốn vẽ đời sống nội tâm của mình. Chủ trương của tôi khi vẽ phải đạt được ý đồ làm sao mỗi ngày nhìn cùng một bức tranh sẽ thấy nó khác ngày hôm qua. Sự chuyển động nội tâm của họa sĩ trong bức tranh quan trọng hơn đường nét sắc màu. Tôi không muốn tranh của mình bị lồng khung, vì tôi muốn màu sắc và đường nét trong tranh phải vượt thoát khỏi giới hạn của diện tích bức tranh”.

Xem tranh của Lê Triều Điển hơi khó hiểu, bởi ngoài sự chồng lên nhau của phù sa sông rạch, vườn cây trái, đồng ruộng…, thì còn rất nhiều ký hiệu như những văn tự cổ khắc trên vách đá. Họa sĩ cho biết: “Những ký hiệu trên tranh của tôi có được từ đời sống của người Kh’mer Nam bộ. Tôi giản lược những hàng rào, cổng chào… của bà con Kh’mer thành những ký hiệu như thế”. Hỏi ra mới biết, họa sĩ Lê Triều Điển thâm nhập khá kỹ vào đời sống của người Kh’mer Nam bộ, từ chùa chiền đến sinh hoạt hàng ngày để tìm ra những ký hiệu cho riêng tranh của ông.

Chính vì mang màu sắc, tâm hồn của một vùng đất với chồng chất các tầng lớp văn hóa đan xen và bổ trợ cho nhau lên tranh, nên đồng nghiệp của họa sĩ Lê Triều Điển gọi tranh của ông là sắc màu châu thổ. Ông rất tự hào về điều này, bởi màu sắc quê hương không thể phai nhòa trong tâm hồn ông dù tuổi đời chồng chất và trải qua bao biến thiên của cuộc sống.


Tác phẩm Ký ức phù sa trong triển lãm

Ký ức phù sa gọi về

Trong 32 bức tranh triển lãm lần này, họa sĩ đặt tên cũng đầy sự hoài nhớ, như:Ký ức phù sa, Ký ức đồng bằng, Mekong… Nhiều người cho rằng, khi chúng ta hoài nhớ những kỷ niệm đã trải qua, tức là chúng ta đang dừng lại. Họa sĩ Lê Triều Điển thì khác, ông hoài nhớ nhưng không “tự trói” mình vào ngày hôm qua. Ngược lại, ông muốn lôi kéo ngày hôm qua đặt trên bề mặt hiện tại. “Nếu chúng ta có được cỗ máy thời gian, thì ngày hôm qua và hôm nay không có gì phải nhớ, không cần phân biệt nữa. Nhưng cỗ máy khi nào mới có hoặc không bao giờ có. Do vậy, tôi tự mình trở về quá khứ bằng con đường ký ức, để mời gọi ngày xưa của mình đến hiện tại thông qua những bức tranh”.

Nói nghe “rắc rối” là vậy, nhưng họa sĩ khi vẽ tranh, đem triển lãm, thì hẳn nhiên họ muốn có người chia sẻ với mình. Người chia sẻ tốt nhất không phải chỉ khoanh tay thưởng ngoạn, mà họ còn móc hầu bao ra mua tranh. Vậy tranh trừu tượng của Lê Triều Điển có ai chia sẻ móc ví ra mua không? Xin thưa là có!

Họa sĩ Lê Triều Điển khoe: “Vợ chồng tôi xây được cái nhà ba tầng tại TP.HCM là nhờ bán tranh”. Những ai biết gia cảnh của họa sĩ này sẽ tin điều đó, bởi vì ông vẽ tranh còn vợ cũng chỉ ở nhà làm… thơ, vẽ tranh như ông. Thơ hẳn nhiên bán không ai mua, cho nên tranh của ông bán không được nữa thì lấy gì mà sống.

Họa sĩ chân thành bộc bạch: “Tây nó mua tranh mình nhiều lắm chứ người Việt rất ít”. Nhưng trên đời nhiều khi thành công phải có cơ duyên. Họa sĩ Lê Triều Điển may mắn gặp nữ họa sĩ đương đại người Pháp lai Việt tên Ki-em, chính cô này đã quảng bá tranh của ông cho “bọn Tây nó biết”. Ki-em từng tình nguyện giảng dạy mỹ thuật tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM và cô cũng là người trao đổi rất nhiều thông tin với Lê Triều Điển về các xu hướng mỹ thuật trên thế giới. Không hiểu sao cô họa sĩ đương đại này lại “khoái” tranh của Lê Triều Điển đến thế? Có lẽ tranh của ông gần gũi với thẩm mỹ hiện tại của cô họa sĩ này.

Họa sĩ Lê Triều Điển sinh năm 1943 tại Bến Tre, ông học trường Bách khoa Phú Thọ – Sài Gòn và tự học vẽ theo năng khiếu của mình. Ông đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật ở Đồng bằng Sông Cửu Long và của Hội Mỹ thuật VN.

Thanh Kiều