Nửa thế kỷ nương nhau qua nắng mưa

TTO – Với Lê Triều Điển, cảm xúc chỉ bùng vỡ khi nhắc đến hai chuyện: hoặc là sáng tác nghệ thuật hoặc nói đến vợ ông – họa sĩ Lê Triều Hồng Lĩnh.

Sinh năm 1943 ở Bến Tre, lớn lên trong một gia đình nghèo, Lê Triều Điển tự học vẽ từ sớm và thích lang thang trên những con đường làng quanh co. Mấy phác thảo đầu tiên được vẽ trong vở ô li là ngôi nhà thờ cổ, thiên nhiên sông nước mênh mang.

Chất lãng mạn không kéo được lâu. Nằm chung trong số phận “những kẻ lừng khừng chán ghét chiến tranh”, Lê Triều Điển chú ý đến cảnh tượng điêu tàn đằng sau những cuộc oanh tạc, nơi lòng đất nứt toác và thốc lên mùi chiến tranh cay xộc.

Nửa thế kỷ nương nhau qua nắng mưa - Ảnh 2.
Suốt năm 50 qua, cả hai đã cùng sáng tác, cùng gây dựng phong trào mỹ thuật và cùng triển lãm – Ảnh: TỰ TRUNG

Làm đủ nghề để giữ nghiệp vẽ

Ngày Lê Triều Điển kết duyên với nhà thơ – họa sĩ Lê Triều Hồng Lĩnh (tên thật Phạm Thị Quý), người quen tặc lưỡi: “Một đứa làm nghệ sĩ đã nghèo, cả vợ lẫn chồng làm nghệ sĩ thì sao lo cuộc sống nổi”.

Đúng là sống chật vật, sau giải phóng hai vợ chồng làm đủ nghề để tồn tại: bán chè, gói bánh, cắt cỏ thuê, cắt rau muống, bán báo, bán sữa đậu nành… để nuôi thân và giữ nghiệp vẽ.

Giai đoạn Đổi mới, cả hai dắt díu bầy con từ Vĩnh Long lên Sài Gòn. Lê Triều Điển hiểu muốn làm nghệ thuật phải làm ở Sài Gòn. Nhiều nghệ sĩ Pháp, Mỹ, các tay sưu tập quốc tế đều đang dồn sự tò mò về đấy. Quan trọng hơn, có lẽ cùng với mở cửa, một loạt phong trào nghệ thuật mới sẽ bùng nổ – họa sĩ nhủ thầm.

Ban ngày hai vợ chồng nhận làm phù điêu trang trí cho nhà hàng, khách sạn, tối đến mới có thời gian vẽ tranh. “Chuyển hẳn về sống ở Sài Gòn, vợ tôi từ một người làm thơ, nội trợ cũng trở thành nhà điêu khắc bất đắc dĩ. Mỗi ngày, chúng tôi leo lên giàn giáo cao năm sáu mét khắc phù điêu tường, nhớ lại vẫn không hiểu sao mình có thể làm được như vậy”.

Lê Triều Điển mang tranh đi gửi các gallery. Tranh bán được, gallery trả bao nhiêu ông cũng nhận, nhiều lúc còn bị chiếm dụng cả tiền lẫn tranh. Ông không mấy để tâm, trong đầu mãi vẩn vơ những dòng sông chảy qua ngôi nhà nhỏ ở quê, lớp bùn non bồi dần trước hiên bãi.

Cũng chính những nhánh sông này, mấy chục năm sau đã thấm vào nghệ thuật của Lê Triều Điển thành một thứ ngôn ngữ hội họa độc đáo đến dị thường.

Trở về văn hóa Óc Eo

Ngược lại khoảng thời gian còn ở Vĩnh Long, sau ngày đất nước thống nhất, Lê Triều Điển đã có sự thay đổi quyết liệt trong phong cách nghệ thuật. “Tôi như một người hành thiền ngồi quay mặt vào vách đá, soi lại tâm mình, lột ra những gì thật nhất để đối diện với tấm toan trắng” – ông nói.

Những suy tư này lai dắt ông về lại nền văn hóa Óc Eo từng nuôi dưỡng mình. Đường diềm họa tiết trên mảnh sành, cái chén và những con sông ngược xuôi ăn vào đời sống Nam Bộ trở thành mạch nguồn sáng tác. Đi xa hơn, ông tạo nên những hình thù người tinh giản, nương níu nhau giữa một điệu múa Khmer cổ và nhảy tràn lên mặt tranh.

Họa sĩ thực hiện hai cuộc đào thoát. Đầu tiên là bỏ tính trang trí, lặp đi lặp lại của hoa văn Óc Eo. Thứ hai, ông hủy giải cách tạo hình tả thực truyền thống để kết nối với nghệ thuật biểu hiện trừu tượng của phương Tây. Xảy ra cùng lúc, những chuyến phiêu lưu bạo gan đã hình thành lối vẽ mới của ông.

Nhưng chúng không dễ được chấp nhận. Non ba phần tư cuộc đời, tranh của ông chỉ quanh quẩn ở các phong trào địa phương. Nếu không có sự kiện năm 2010, cái tên Lê Triều Điển hẳn sẽ bị khuất lấp…

 

11 năm trước, một bức tranh bán từ thiện của ông đến tay nhà sưu tập Yves de Fontbrune và được nhà sưu tập treo tại tư gia. Tình cờ tác phẩm lại lọt vào mắt xanh nhà sưu tập Pierre Dumonteil và vợ – bà Dothi.

Dù đã mua vào một lượng lớn tác phẩm của các danh họa thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cặp vợ chồng vẫn chưa có tác phẩm nào của họa sĩ đương đại. Cả hai liên lạc với họa sĩ Lê Triều Điển và áng chừng chưa đầy một tuần sau đã có mặt ở Sài Gòn để mua tranh tận xưởng.

“Họ moi hết tranh từ các ngóc ngách ra, có cả những bức tôi vẽ trên bao bột mì vì không tiền mua vải bố. Tận mắt thấy tranh chất đầy xe tải chở đi, tôi vẫn không tin được” – Lê Triều Điển kể.

Pierre Dumonteil còn mua thêm hai loạt tranh, mỗi lần đều đánh cả xe tải đến. Số tranh Dumonteil sở hữu đã hơn trăm bức.

Sự kiện trên cộng với những triển lãm đình đám của nhà Dumonteil ở Paris, Hong Kong, Thượng Hải sau đó khiến giá tranh họa sĩ Lê Triều Điển tăng vọt. Được chú ý vì sự phá cách, thể nghiệm trong hình nét và lối tư duy mới mẻ, vốn dĩ những điều này là dành cho chàng thanh niên chưa tới ba mươi tuổi, nghĩ mãi cũng không hiểu sao lại nghiệm vào một lão họa sĩ đã qua bảy mươi.

 

“Em lặng lẽ bên đời anh tất bật”

Câu thơ từ nhà thơ Phạm Thị Quý – nghệ sĩ Hồng Lĩnh như gói gọn 50 năm chung lưng đấu cật của hai vợ chồng. Lê Triều Điển cũng bùi ngùi bảo: “Tôi biết ơn vợ tôi. Chúng tôi vừa là vợ chồng vừa là bạn bè, vừa là đồng nghiệp. Sống đến nay, cả hai vẫn chưa cãi nhau to tiếng. Tôi có thể toàn tâm toàn ý cho tranh, gốm là vì có nửa này”.

Ngoài những giờ coi sóc bếp núc, con cái, bà dành trọn thời gian cho sáng tác. Gốm của bà ý nhị, những cánh hoa trổ trên bình men xanh Biên Hòa, khi là những đường màu ngoằn ngoèo trên tượng trâu như dòng Cửu Long nuôi nấng văn minh lúa nước.

Với thơ ca, ít khán giả của phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi biết ca khúc Ngộ nhận trong phim vốn được nhạc sĩ Phạm Hải Âu phổ nhạc từ thơ của Phạm Thị Quý. Bà ít làm thơ về tình yêu, cả đời chỉ có đôi ba bài.

Bà yêu ông nhiều hơn là viết. Và khi nói về cuộc tình này, bà thỏ thẻ: “Em lặng lẽ bên đời anh tất bật/ Mặc cho vòng quay cuộc sống cứ xoay vần/ Lặng lẽ bên đời vẫn một bóng em/ Cho anh chút hương hoa chút vầng trăng huyền ảo/ Đêm tuyệt vời sau ngày dài huyên náo/ Lặng lẽ bên anh, em ngọn gió dịu dàng”.

Bên người tri kỷ này, con đường nghệ thuật của Lê Triều Điển chưa bao giờ đứt mạch. Bà là một dòng sông khác của ông, dù không khởi phát từ thiên nhiên nhưng lại do tay người đào mà thành, do nguyện gìn giữ mà chảy mãi.

Giới hội họa có thói quen rất lạ: mỗi lúc trông thấy họa sĩ Hồng Lĩnh, họ lại đưa cái nhìn lục lọi vào đám đông vóc dáng họa sĩ Lê Triều Điển hoặc ngược lại. Một nửa kia hẳn lang thang gần đấy. Cả hai đã tựa nhau qua mưa nắng dãi dầu suốt nửa thế kỷ.

50 năm tình yêu và nghệ thuật song hành

Tranh Lê Triều Điển luôn có “đặc quyền” tham gia triển lãm cùng các thế hệ nghệ sĩ trẻ bởi ngôn ngữ tạo hình mang tính thể nghiệm – Ảnh: TỰ TRUNG

Từ ngày 10 đến 19-5, hai họa sĩ Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh sẽ tổ chức triển lãm 50 – 70 – 80 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. 50 năm bên nhau, vợ 70 tuổi và chồng cũng đã đến tuổi 80. Kết hôn đã nửa thế kỷ, triển lãm nào cũng là triển lãm chung của cả hai.